🌼Vậy omotenashi là gì?
Mình xin phép lấy một ví dụ ở quán cà phê để dễ tưởng tượng. Khi khách gọi một tách cà phê thì việc nhanh chóng đưa tách cà phê theo đúng tiêu chuẩn và mang tới cho khách sẽ là dịch vụ của cả thế giới đang làm. Đối với Omotenashi thì đòi hỏi nhân viên phục vụ ngoài việc mang cà phê đến cho khách thì phải cố gắng quan sát khách. Khi đặt tách cà phê xuống bàn thêm tiểu tiết là cố gắng nhìn vào mắt khách hàng, đặt tách cà phê xuống vị trí tiện nhất đối với khách, cười tươi và nói “chúc anh có khoảng thời gian tuyệt vời bên ly cà phê”. Thì thái độ và hành động của nhân viên phục vụ này sẽ được gọi là phong cách phục vụ omotenashi.
🌼Nếu anh chị là khách hàng sẽ cảm nhận như thế nào nếu nhận được dịch vụ này?
Văn hóa phục vụ theo phong cách omotenashi ở các nghành dịch vụ nói chung có các điểm tương đồng là tận tậm. Omotenashi trong bệnh viện có gì khác? Hiểu một cách ngắn gọn nhất là đội ngũ nhân viên y tế sẽ hiểu “TÂM LÝ BỆNH NHÂN” và có lối ứng xử phù hợp. Trong đó có phù hợp với hoàn cảnh bệnh, không gian điều trị, thời điểm nào trong giai đoạn điều trị, và tâm lý người bệnh.
Hôm nay mình xin lấy ví dụ và cùng chia sẻ về dịch vụ theo phong cách omotenashi tại khoa sản ở bệnh viện Nhật. Tại Nhật sản phụ khi vượt cạn có gia đình (mẹ, chồng, con) bên cạnh được coi là một việc bình thường. Theo một khảo sát 2018 của một tạp chí về sinh sản thì thực tế có tới 70% thai phụ có gia đình bên cạnh khi vượt cạn.
🌼Vài thông tin liên quan đến việc sinh nở ở Nhật.
Khi sinh bạn có thể sinh tại: Phòng khám sản (có dưới 19 giường nhập viện), bệnh viện, mời nữ hộ sinh đến giúp vượt cạn tại nhà. Có thể sinh thường, sinh mổ, dùng thuốc giảm đau, sinh trong bồn nước… Tỷ lệ sinh tính trên tổng thể của phụ nữ Nhật năm 2018 là 1.42: mức thấp của thế giới trong những năm gần đây. Các ca kiện trong khoa sản cũng cao nên các bệnh viện, phòng khám lĩnh vực này rất “thận trọng”. Tỷ lệ tử vong với trẻ: tính trên 1000 ca có 0,9 ca, với sản phụ: trên 100,000 ca là 5 ca, trong khi đó trung bình của thế giới con số này là 216. Nhật an toàn nhất cho cả Mẹ và bé.
Các chế độ từ khám thai, hỗ trợ sinh, thời gian nhập viện, có lẽ Nhật là dài nhất. Với sinh thường số ngày nhập viện cho sinh lần đầu là 5-6 ngày, lần sinh thứ 2 là 4-5 ngày. Chi phí hỗ trợ sản phụ nhận được là tầm 420,000 Yen tương đương 85 triệu, ngoài ra mỗi địa phương tùy tình hình phúc lợi ở đó mà lại có thêm hỗ trợ khác. Hỗ trợ đủ chi phí chi trả nhập viện. Khi nhập viện sản phụ sẽ được hướng dẫn: cách tắm cho trẻ, cách cho bú sữa, cách phát hiện bất thường ở trẻ và các vấn đề về tuyến sữa…Một số bạn trẻ người Việt cho dù chọn về Việt Nam sinh thì vẫn nhận được khoản trợ cấp 85 triệu trên.
🌼Kinh nghiệm từ bản thân:
Mình lấy sự an toàn và an tâm nên đã chọn sinh 2 lần ở Nhật. Cả 2 lần mình đều có gia đình bên cạnh lúc vượt cạn, lần đầu là mẹ chồng, lần hai là chồng và con gái lớn. Chị cả khi đó 6 tuổi nên đã kể lại rất rõ về trải nghiệm này.
🌱Lần thứ Nhất định dự tính sinh ở phòng khám gần nhà nhưng đến tuần thứ 34 mà em bé vẫn chưa chịu quay đầu và lúc đó cũng biết là khả năng thai tự quay đầu về vị trí để thuận lợi sinh thường chỉ còn ở mức 3%. Bác sĩ giải thích phương án có thể phải mổ để bắt con, nên chọn phương án an toàn cho cả mẹ và con. Bác sĩ phòng khám hỏi muốn mổ ở phòng khám hay chuyển bệnh viện khác để tiện viết giấy giới thiệu. Chọn sự an toàn và an tâm mình đã chọn sinh ở BV trường Đại học nơi có thể đi bộ được từ nhà. Nhưng ở ngay lần khám đầu tiên ở bệnh viện Đại học, thai đã ở ngôi có thể sinh thường. Mình đã không quay lại phòng khám kia nữa vì ngại việc chuyển viện.
🌱Lần sinh bé thứ hai, khi mang thai có chút bất thường, có phát hiện tế bào lạ ở cổ tử cung. Khi đó tâm lý đã hoang mang, ung thư? Thai ra sao? Giữ được em bé không? Xử lý ở đâu phù hợp?
Xét nghiệm lại đó là Condyloma.
Phòng khám gần nhà giới thiệu chuyển đến bệnh viện trường đại học gần nhà, tại đây bác sĩ đã cố gắng cắt Condyloma ở tuần thai thứ 18, 2 tuần 1 lần. Đến lần thứ hai ít nhiều mình thấy cách làm ở viện này không ổn và lấy lý do có thể chuyển nhà để xin giấy giới thiệu nên bệnh viện “Chữ thập đỏ” nơi có khoa sản thuộc top của Nhật.
Mình đã an tâm ngay sau lần khám thai đầu tiên. Sau khám bác sĩ đã phán: “không phải làm gì với condyloma cả, chỉ theo dõi thôi, nếu thai ổn tuần thứ 36 sẽ nhập viện 2 đêm 3 ngày để phẫu thuật cắt condyloma. Khi đó vì phẫu thuật mà em bé bị kích thích thì dù có ra đời cũng không ảnh hưởng gì”. Và tuần 36 mình nhập viện thực hiện phẫu thuật, sau đó sinh thường ở thời điểm 39 tuần 5 ngày.
Tuy sinh ở đây sẽ đắt gấp 1.5 các phòng khám, bệnh viện khác tại Tokyo nhưng là sự an tâm gần như tuyệt đối. Mình còn nhớ sau sinh gửi tin nhắn tới khoa nơi lúc đó làm việc báo tin “mẹ tròn con vuông” và khen đây là bệnh viện tuyệt vời. Anh bác sĩ đồng nghiệp đã nhắn lại “tìm nơi tuyệt vời hơn bệnh viện đó ở Nhật ấy à… không có đâu!”.
🌱Đây là một trong những nơi đối phó với các ca nặng, các ca song sinh. Lúc mình nhập viện kỷ lục có tới 11 cặp sinh 2, sinh 3 ra đời.
Mình sẽ chia sẻ dần về những tân tiến, những dịch vụ, hướng dẫn cho thai phụ, các kiến thức rất nên học và áp dụng. Đồng khóa du học với mình có một “NỮ HỘ SINH” các anh em ạ. Bạn ấy sau khi làm 8 năm điều dưỡng đã học thêm nữ hộ sinh và sau đó chuyển qua làm nữ hộ sinh luôn. Chúng ta có thông tin sẽ dễ cải tiến, chọn lọc cái hay để áp dụng, chọn cái phù hợp để áp dụng ở bệnh viện Việt Nam.
🌼Văn hóa Omotenashi trong khoa sản:
Trở lại với chủ đề văn hóa omotenashi trong bệnh viện, mình muốn nói đến việc người nhà ở bên cạnh khi sinh. “Sinh gia đình” tại Nhật tới 70% thai phụ áp dụng thì nhu cầu đó ở VN chắc cũng rất cao. Trường hợp này lưu ý là sẽ cố gắng sắp xếp để người nhà ở vị trí phù hợp, hoặc khi đánh giá việc ở bên cạnh sản phụ có thể ảnh hưởng đến sản phụ và người nhà sẽ có thể khéo léo mời người nhà ra ngoài một cách tế nhị, tinh tế. Bệnh viện luôn lấy ý kiến cả từ thai phụ và người nhà về nguyện vọng có muốn người nhà ở bên cạnh bệnh nhân hay không, để đáp ứng theo nguyện vọng. Trong các khóa học tiền sản sẽ có giải thích, hướng dẫn: môi trường nhiễm khuẩn lúc sinh, vị trí đứng và nhiệm vụ của người nhà với sản phụ và điều gia đình nên giúp đỡ sản phụ. Dù có chuẩn bị tâm lý trước nhưng chuyện có anh chồng ngất xỉu, chứng kiến nhiều việc ngoài dự kiến vẫn có sảy ra. Nhưng chuyện đó nó cũng sẽ thành một “sự kiện” mà gia đình đó chắc sẽ nhắc mãi và nó cũng góp phần gắn kết “gia đình” họ.
🌱Có nhiều câu chuyện cả gia đình đã cảm động khi được cùng nhau chào đón giây phút được thấy em bé chào đời, cùng với team y tế vui mừng nghe tiếng em bé cất tiếng khóc lần đầu tiên. Bác sĩ còn cười và hóm hỉnh phát đít em bé khi đợi em mãi mà em chưa tự khóc. Truyền hình có những thước phim ghi lại hình ảnh và cảm tưởng về cảnh các mẹ vượt cạn bên cạnh chồng, con, gia đình. Có một số em nhỏ đã trả lời về cảm tưởng, giây phút xúc động khi lần đầu nhìn thấy em bé chào đời ra sao, lần đầu chứng kiến sự cố gắng của bác sĩ, sự tận tình của điều dưỡng, nữ hộ sinh. Giây phút mà tất cả những người có mặt ở đó ai cũng “cười từ tận trái tim”.
🌱Sẽ cảm nhận rõ dịch vụ tận tâm omotenashi của y tế. Điều dưỡng hay nữ hộ sinh sẽ hướng dẫn anh chồng đứng gần nắm tay động viên vợ, gọi em nhỏ cùng chạy lại xem dây rốn – sợi dây tiếp nối sự sống với câu nói “con cũng đã chào đời như thế”. Cùng đặt em lên bàn cân, đo chiều dài em bé ngay tại đó. Và cố gắng chụp cho cả nhà 1 tấm hình ghi lại phút giây đặc biệt – phút giây cả nhà đón thành viên mới. Cả nhà cùng ekip chụp hình. Hai lần sinh là hai lần mình đều nhận được dịch vụ chăm sóc omotenashi như thế.
🌼Đôi điều tâm sự:
🌱Tuy rằng vượt cạn không phải tất cả đều là những câu chuyện đẹp, nhưng đây là một lĩnh vực mình tin là các viện ở Việt Nam có thể thay đổi được. Điều nay cần lắm, trước hết đó là sự thay đổi về tư duy của nhân viên y tế làm trong ngành như chúng ta. Người Việt rất tình cảm, chăm chỉ, có rất nhiều điểm tương đồng với văn hóa Omotenashi của Nhật. Tại nhiều viện tư ở Việt Nam hiện tại thì sản khoa là một trong những khoa mũi nhọn. Khi tất cả các viện tư làm tốt chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực tới toàn ngành.
🌱Cũng cần lắm các nhà truyền thông ủng hộ, tuyên truyền động viên, đôi khi mạnh dạn đưa những thước phim thể hiện phong cách phục vụ Omotenashi đã được thực hiện mà chưa được biết đó là dịch vụ mang tên “Omotenashi”. Ca ngợi động viên hơn nữa sự cố gắng của các chiến sĩ áo trắng của chúng ta. Điều đó là liều thuốc động viên rất nhiều giúp chúng mình tiếp tục thực hiện, nâng cao dich vụ y tế. 1000 vụ thành công không thấy nhắc tới, nhưng 1 vụ sai sót nhỏ thì cả xã hội sẽ mổ xẻ.
🌱Ở Nhật các bệnh viện rất hiểu điều đó nên rất chi tiết đưa con số cụ thể về tỷ lệ rủi ro ngẫu nhiên chi tiết như con số 0.9% hay 5 ca trên 100,000 ca ở trên, và nhiều thông số về rủi ro trong văn bản giải thích chỉ nhằm mang tới sự an tâm cho người bệnh và gia đình. Bác sĩ thường nói con số an toàn của thai phụ chưa phải là số 0 nhưng tất cả sẽ cố gắng để đưa nó về gần số 0 sớm nhất. Mỗi bệnh viện chúng ta nói chung đều nên cố gắng cải tiến nâng cao dịch vụ “Omotenashi” trong điều kiện cho phép, đầu tư rẻ nhất nhưng khó nhất đó là cải tiến tư tưởng của nhân viên y tế.🌼Mình bắt đầu chia sẻ chỉ với một mục đích duy nhất muốn để chúng ta cùng nghe, cảm nhận, cùng suy nghĩ và cũng “cải tiến” dần dần để y tế Việt Nam ngày một tốt hơn. Có những câu chuyện nói ra chắc chắn sẽ có ý kiến “đó là thế giới khác” không phù hợp với Việt Nam. 18 năm không sử dụng tiếng Việt mình thực sự còn viết được như hiện tại là nỗ lực “vượt nên chính mình”.
*Lưu ý: Nếu cảm thấy bài viết hay và bổ ích, các bạn có thể lấy làm tư liệu. Nhưng đề nghị các bạn phải ghi nguồn và chia sẻ link trang WEB cũng như link kênh youtube mà mình đính kèm cuối bài.
Hãy liên hệ với chúng tôi:
#こころメディ合同会社
💚KOKOROMEDICAL LLC💚
(Kết nối y tế Nhật Việt)
: 〒121-0055 Tokyoto Adachiku Kahei 1-1-9
: 03-5856-1516
: 03-5856-1516
: kokoromedi@kokoromedi.com
: https://www.kokoromedi.com
: https://m.facebook.com/ytekokoromedical/?ref=bookmarks
: https://www.youtube.com/watch?v=x7hb8-pTi6Y&t
Rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ các chuyên gia đa ngành và sự ủng hộ của cộng đồng.
Lĩnh vực hoạt động KOKORO MEDICAL
1. Tổ chức các lớp học ngắn và dài hạn cho các cán bộ y tế của 2 nước Việt Nam – Nhật Bản.
2. Cung cấp kênh thông tin và các bài học về Y tế Nhật Bản qua kênh youtube
3. Kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế.
4. Hỗ trợ biên phiên dịch tiếng Nhật-Việt.
5. Hỗ trợ người Việt khám và chữa bệnh tại Nhật.